KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH (KAP) VỀ COVID 19 VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH ĐẾN SỨC KHOẺ TINH THẦN CỦA THANH THIẾU NIÊN TẠI TỈNH GIA LAI
DOI:
https://doi.org/10.59253/tcpcsr.v125i5.82Từ khóa:
COVID-19, kiến thức, thái độ, thực hành, KAP, sức khoẻ tinh thần, thanh thiếu niênTóm tắt
COVID-19 do SARS-CoV-2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Kể từ cuối năm
2019 đến nay, COVID-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao. Nhận
thức và thực hành của cá nhân liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19 là điều cần
thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá kiến
thức, thái độ và thực hành (KAP) của lứa tuổi thanh thiếu niên (TTN) đối với đại dịch và khảo sát
tác động của nó đến sức khoẻ tinh thần của họ để đưa ra hướng dẫn trong tương lai. Một nghiên
cứu cắt ngang, dựa trên bảng câu hỏi được thực hiện thông qua một cuộc khảo sát trực tuyến và
trực tiếp được tiến hành vào tháng 9 năm 2021. Học sinh theo học tại trường THPT chuyên Hùng
Vương Gia Lai (Ts) và nhóm thanh thiếu niên trong cộng động (Tc) được mời tham gia nghiên cứu.
Kết quả chỉ ra rằng, có 305 Ts và 303 Tc đã phản hồi, tổng điểm kiến thức trung bình là (10,23 ±
2,7 ở Ts; 8,38 ± 1,1 ở Tc; điểm tối đa là 16). Đa số họ, 98% Ts và 65,6% Tc cho rằng COVID-19 là
mối đe dọa sức khỏe cộng đồng; với 67,2% Ts; 38,9% Tc đồng ý COVID-19 sẽ được kiểm soát
thành công. Theo nhận thức đó, có 90,8% Ts đã không đến bất kỳ nơi đông người nào với 97,7%
trong số họ đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà. Bên cạnh đó, đại đa số họ gồm 90,1% Ts và 65,0% Tc
tuân thủ các chiến lược phòng dịch được khuyến nghị bởi các cơ quan chức năng, với 99,8% Ts đã
ủng hộ 5K trong khi Tc chỉ hưởng ứng 67,7% các biện pháp để ngăn ngừa sự lây nhiễm và lây lan
COVID-19. Điều đáng lo ngại là hầu hết những người này 86,9% Tc và 66,2% Ts cho rằng đã tiêm
vacxin sẽ không bị nhiễm, cũng như họ chưa biết thời gian ủ bệnh COVID-19. Kết quả này chỉ ra
rằng KAP COVID-19 của Tc chưa tốt so với Ts (P<0,05). Hơn nữa, tăng cường sức khoẻ thể chất
và tinh thần, chuẩn bị để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” chưa phải là thái độ và thực
hành được TTN tại đây hưởng ứng. Điều đáng quan tâm là, COVID-19 đã tác động đến tinh thần
của họ khiến họ luôn cảm thấy (49,5% Ts; 64% Tc) hoặc thỉnh thoảng cảm thấy (18% Ts, 12,5%) lo
lắng, căng thẳng, vậy nên đã có khoảng 90% trong số họ mong muốn được trợ giúp để họ tự tin
hơn. Qua đó cho thấy, TTN cần được hướng dẫn từ những người có trách nhiệm nhằm tăng cường
hiểu biết, nâng cao nhận thức phòng ngừa COVID-19 và hỗ trợ tâm lý xã hội một cách chủ động ở
hiện tại và tương lai, có thể đây sẽ là giải pháp giúp họ khắc phục căng thẳng, lo âu đồng thời góp
phần kiểm soát đại dịch COVID-19 tốt hơn.